Tin khẩn

Quay lại

Tầm soát, phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng: Sẵn sàng phương án điều trị

TPHCM đang đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát người mắc Covid-19 (F0) trong cộng đồng để mở rộng vùng xanh. Theo Sở Y tế TPHCM, việc tầm soát khiến số lượng F0 tăng nhanh (trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng 5.000 F0), nhưng ngành y tế đã lên phương án điều trị phù hợp theo từng cấp độ nhằm tránh tình trạng phải chuyển viện và hạn chế tỷ lệ tử vong.

 

“Vét” F0 trong cộng đồng

Theo Sở Y tế TPHCM, trong 7 ngày triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, tập trung các khu vực nguy cơ cao và rất cao, số ca F0 trong cộng đồng tăng cao theo ngày. Thành phố đã tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho 1.677.154 người dân tại các “vùng đỏ” và “vùng cam”, phát hiện 64.299 trường hợp dương tính, chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm. Trong đó, ngày 27-8 ghi nhận là ngày có số F0 trong cộng đồng cao nhất với 4.551 trường hợp trong tổng số 5.357 ca mắc mới (chiếm gần 85%). 

Ngành y tế nhận định, F0 trong cộng đồng phát hiện những ngày qua chủ yếu tập trung ở những nơi có mật độ dân số cao, hẻm nhỏ, khu dãy nhà san sát nhau, nơi tập trung đông dân cư. Nguyên nhân F0 cộng đồng tăng là người dân chưa tuân thủ triệt để giãn cách, chưa đảm bảo 5K trong gia đình, khu trọ... “Mặc dù số lượng F0 cộng đồng tăng có thể khiến người dân hơi lo ngại, song đây là thực tế và ngành y tế sẽ làm đến cùng để phát hiện tất cả trường hợp mắc Covid-19”, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định. Ông cho biết, tỷ lệ dương tính trên tổng số trường hợp lấy mẫu của thành phố hiện nay là khoảng 3,8%, vẫn thấp hơn ngưỡng mức lây nhiễm cao của thế giới (5%).

Lấy mẫu tầm soát Covid-19 tại phường Cô Giang, quận 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, lưu ý rằng, không nên nhìn vào con số mắc mới để lo lắng, mà phải mừng vì đã sớm tách F0 khỏi cộng đồng. “Có đến khoảng 80% người mắc Covid-19 là bệnh nhẹ, do đó, việc tìm ra nhiều F0 trong cộng đồng sẽ giúp ngành y tế phân loại sớm và có hướng điều trị phù hợp, tránh tình trạng quá nhiều người trở nặng và giúp giảm tỷ lệ tử vong”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Như trường hợp gia đình 4 người của chị Hồ Thị Thủy (43 tuổi) sinh sống trong một xóm trọ thuộc phường Bình An, TP Thủ Đức. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ngày 28-8, chị Thủy được xác định mắc Covid-19, may mắn 3 thành viên còn lại đều âm tính. “Nếu để chậm trễ thêm vài bữa nữa thì có lẽ cả chồng và con tôi cũng bị lây bệnh”, chị Thủy chia sẻ. Dù chưa có triệu chứng nặng nhưng do không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà nên chị Thủy được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Nguyễn Hiền trên địa bàn phường.

Phân tầng điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong

Để đáp ứng nhu cầu điều trị khi số ca F0 tăng nhanh, trong những ngày qua, ngành y tế đã phân lại các tầng điều trị phù hợp với “2 mũi giáp công” chính: cách ly điều trị tại nhà, khu cách ly phường xã, quận, huyện (tầng 1) và điều trị tại các bệnh viện (tầng 2, tầng 3). Riêng ở tầng 1, thành phố đã thiết lập 413 trạm y tế lưu động, song song đó là hình thành 413 tổ bác sĩ quân y phụ trách việc điều trị, theo dõi cho 50.000 F0 tại nhà. Dù chỉ mới đi vào hoạt động nhưng lực lượng y tế này đã tiếp cận với những người là F0 đang cách ly tại nhà. Bác sĩ của các trạm sẽ thăm khám, cung cấp các gói thuốc và sơ cấp cứu tại nhà cho các F0. “Trạm y tế lưu động có sự hỗ trợ của bác sĩ quân y, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ phản ứng nhanh; được trang bị đầy đủ thuốc thiết yếu, trong đó có thuốc Molnupiravir kháng virus dành cho F0 có triệu chứng nhẹ; cung cấp đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ cho F0 cách ly tại nhà khi cần thiết, điều này sẽ giúp F0 yên tâm”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết.

Bên cạnh đó, 24.000 giường tại các khu cách ly tập trung quận, huyện hiện được trang bị để điều trị cho 19.000 người. Khi có kết quả test nhanh dương tính là xem xét ngay các điều kiện cách ly tại nhà, nếu tại nhà không đủ điều kiện thì đưa đi cách ly tập trung ở cơ sở thuộc quận, huyện. Tầng 1 đang điều trị, theo dõi F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, giảm tỷ lệ chuyển viện lên tuyến trên. Trong khi đó, tầng 2 có 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường, đang điều trị cho hơn 39.000 ca F0 có mức độ trung bình và nặng. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị này tăng cường xét nghiệm cho F0 nhẹ, nếu hết bệnh thì cho xuất viện, chuyển viện để tiếp nhận những F0 mới từ cộng đồng và từ các khu cách ly cần điều trị tại bệnh viện. Sở Y tế đã và tiếp tục phân bổ thuốc Remdesivir đến các bệnh viện để sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng mức độ trung bình và nặng. Riêng tầng 3 gồm 8 bệnh viện, trung tâm hồi sức với gần 3.850 giường bệnh, hiện đã có sự biến chuyển mạnh khi tỷ lệ tử vong đã bắt đầu giảm.

“Với sự phân tầng theo dõi, điều trị như vậy, hiện số bệnh nhân xuất viện đang tăng dần, số ca nặng phải chuyển viện và tử vong có chuyển biến giảm dần. Đây là một trong những tín hiệu lạc quan trong việc thay đổi chiến lược điều trị F0 của TPHCM”, PGS-TS Tăng Chí Thượng đánh giá.

Liên quan đến xét nghiệm tìm F0, Bộ Y tế chỉ đạo TPHCM: thực hiện xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng để tách các F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất; rà soát, điều chỉnh và bổ sung phương án ở mức cao nhất về điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Dự kiến đến 6-9, khi kết thúc đợt xét nghiệm lần thứ 2, TPHCM vẽ lại “bản đồ dịch bệnh”, phân chia lại khu vực nguy cơ tùy theo tình hình thực tế.

LAM GIANG 

Nguồn: www.sggp.org.vn