Tin khẩn

Quay lại

Mở rộng tương tác, kết nối giữa chính quyền với dân

Thời điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, chính quyền TPHCM đã và đang có nhiều giải pháp hiệu quả trong tương tác (cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc về phòng chống dịch, chăm lo an sinh xã hội…) với người dân. Rất nhiều phản hồi, góp ý, kiến nghị của người dân đã được chính quyền cầu thị lắng nghe, giải quyết kịp thời.

 

Tăng hỏi, tăng bảo đảm quyền lợi

Từ ngày 24-8, chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” theo hình thức livestream (phát sóng trực tiếp) trên mạng xã hội vào lúc 20 giờ hàng ngày. Chương trình được Sở TT-TT TPHCM phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức. Lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp hiện diện, trao đổi, giải đáp ngay các thắc mắc của người dân. Tính đến ngày 27-8 (tức qua 3 số phát sóng), đã có hơn 1,7 triệu lượt người xem, hơn 70.000 bình luận và khoảng 25.000 lượt chia sẻ. Theo thống kê, khoảng 60%-70% là phản ánh về an sinh xã hội, nhất là các túi an sinh, các gói hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện Bộ TT-TT, các sở - ngành TPHCM 
tham dự chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 28-8

Nhờ tương tác với chính quyền thành phố, không ít khúc mắc của người dân đã được tháo bỏ. Như trường hợp ông Thạch Khemare (tạm trú ở khu trọ thuộc ấp 3, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) vào tối 27-8 phản ánh việc nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng đã bị “ăn chặn” 200.000 đồng. 

Ngay sau chương trình, vào 22 giờ 40 phút tối cùng ngày, lãnh đạo xã Hưng Long đã tới nhà trọ nắm bắt sự việc. Qua đó xác định, chủ nhà trọ đã miễn tiền nhà trọ tháng 8-2021, nhưng nhiều người ở trọ vẫn chưa đóng tiền điện nước, nên khi có tiền hỗ trợ phát đến, ông đã tự thu lại 200.000 đồng. Khi vụ việc được thông suốt, chủ nhà trọ đã trả lại 200.000 đồng cho người ở trọ. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, chính quyền TPHCM có yêu cầu khẩn tới các ban ngành, địa phương tăng cường giám sát, không để xảy ra việc “ăn chặn” tiền hỗ trợ, vì cuộc sống người dân đã quá khó khăn.

Cũng nhờ hỏi chính quyền thành phố mà rất nhiều người dân đã kịp thời nhận được các gói hỗ trợ. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, thống kê, riêng chương trình ngày 24-8 đã nhận được hơn 3.000 bình luận đề nghị hỗ trợ, trong đó có 180 địa chỉ cụ thể. Các phản ánh cụ thể - có địa chỉ của người dân đã được chuyển tới Trung tâm An sinh TPHCM và quận - huyện, TP Thủ Đức để xác minh, hỗ trợ túi an sinh, tiền mặt.

SOS giúp dân

Một kênh kết nối và tương tác với người dân phổ biến trong thời gian qua là Cổng thông tin 1022 TPHCM, do Sở TT-TT TPHCM triển khai, với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng. Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, cho hay, bình quân một ngày Tổng đài 1022 nhận khoảng 2.000-3.000 cuộc gọi. Trong thời điểm giãn cách xã hội, số cuộc gọi đến 1022 tăng lên 20.000 cuộc/ngày. Số lượng tổng đài viên được tăng từ 20 người lên 50 người, cũng chỉ nghe được khoảng 7.000 cuộc gọi.

Vì thế, TPHCM đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác, ghi nhận được nhiều ý kiến của người dân hơn. Ông Phạm Đức Hải cho biết thêm, điểm mới là từ ngày 28-8, người dân gặp khó khăn có thể nhắn tin bằng Zalo đến Tổng đài 1022 khi cần hỗ trợ. Ngoài cách liên lạc bằng gọi điện thoại tới 1022, người dân có thể kết nối với chính quyền TPHCM bằng thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).

Để tương tác và hỗ trợ người dân nhanh nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã mở chương trình SOS (từ ngày 20-8), chăm lo các trường hợp phản ánh chưa nhận được hỗ trợ. Tại các quận, huyện, TP Thủ Đức và phường, xã, thị trấn, số điện thoại cá nhân của lãnh đạo, các đường dây nóng được phổ biến rộng rãi tới người dân. Các địa phương cũng có mô hình hay trong tương tác với dân: Quận 1 cung cấp số điện thoại đường dây nóng tổ tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn về nhu yếu phẩm; huyện Củ Chi lập bản đồ hỗ trợ, người dân gặp khó khăn chỉ cần phát tín hiệu trực tuyến là được chăm lo ngay; huyện Bình Chánh xây dựng và đưa vào hoạt động ứng dụng “Bình Chánh Smart”, tiếp nhận phản ánh và công khai kết quả giải quyết đến người dân…

Trong thời gian tới, chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” sẽ đổi mới về mặt kỹ thuật và nội dung. Theo đó, chương trình sẽ tổ chức theo hướng chuyên đề, mỗi ngày có một chuyên đề sâu như an sinh xã hội, y tế, cung ứng hàng hóa, giao thông… Cùng với đó, chương trình sẽ có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo, để tăng tính tương tác ngày càng nhiều giữa người dân và chính quyền thành phố.

VĂN MINH - ĐÌNH LÝ - MẠNH HÒA

Nguồn: www.sggp.org.vn