Tin khẩn

Quay lại

Lưu thông, phân phối hàng hóa ổn định tại khu vực phía Nam

Các hệ thống phân phối hàng hóa tại khu vực phía Nam cho biết sẽ điều chuyển lượng hàng từ điểm này sang điểm khác để cân đối nguồn cung phù hợp với sức mua.

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đi chợ giúp người dân mua hàng hóa, lương thực tại siêu thị Co.op Nhiêu Lộc-Thị Nghè. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, trong hai ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định tăng cường giãn cách xã hội, người dân không tự đi mua hàng thực phẩm.

Việc cung ứng, phân phối hàng được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do các tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp cùng lực lượng công an, quân đội thực hiện với tần suất 1 lần/tuần, tình hình thị trường cung ứng hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tại các hệ thống phân phối hiện đại, một số điểm bán của siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm đóng cửa do chưa bố trí được nhân viên làm việc theo phương án "3 tại chỗ" hoặc nhân viên chưa kịp xin cấp giấy đi đường theo quy định nên không qua được các chốt trạm.

Nhiều điểm bán của các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.op Food, Satra Food, Central Retail, Aeon Việt Nam, Emart Việt Nam... dừng hoạt động đón khách mua sắm trực tiếp, tập trung vào việc soạn hàng, đóng vỉ, gắn tem giá theo đơn hàng.

Để thực hiện phương án cung ứng hàng hóa mới cho Thành phố Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị đã soạn sẵn các combo hàng hóa phân theo mức giá trị của gói hàng, hoặc, theo các loại hàng hóa như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng gia dụng... và đã sẵn sàng phối hợp với chính quyền các địa phương để cung ứng hàng hóa cho người dân.

Cùng với đó, một số siêu thị vẫn nhập số lượng hàng bình thường để phục vụ người dân, một số siêu thị "nghe ngóng" sức mua của người dân để nhập hàng.

Ngoài ra, nhiều hệ thống phân phối cũng cho biết không thiếu hàng, sẵn sàng linh động theo thị trường, nhưng do đặc thù hàng hóa có hạn sử dụng ngắn nên các ngày đầu đơn vị có thể giảm nguồn cung hàng tươi sống để đo lường sức mua và khi cần sẽ tăng lại ngay.

Tình nguyện viên đi chợ giúp người dân mua hàng hóa, thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu ai ở đâu ở yên đó. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Các hệ thống phân phối cũng cho biết sẽ điều chuyển lượng hàng từ điểm này sang điểm khác để cân đối nguồn cung phù hợp với sức mua. Hơn nữa, trong 2 ngày trước khi thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, nhiều người dân đã đi mua hàng tích trữ nên dự kiến nhu cầu đặt hàng trong tuần này có thể chưa tăng cao.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho hay phương án phân phối hàng hóa theo phương thức mua chung với Saigon Co.op là giải pháp đón đầu và phù hợp hoàn toàn với chủ trương mới nhất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc yêu cầu người dân toàn thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu thì ở đó.” Người dân không đi mua sắm trực tiếp mà chính quyền địa phương sẽ có phương án đảm bảo phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến cho từng hộ dân.

Hiện nay, các siêu thị của Saigon Co.op đã gửi danh mục hàng hóa thiết yếu khoảng 100 mặt hàng, các đầu mối mua chung theo sự điều phối của chính quyền địa phương sẽ tổng hợp nhu cầu người dân thành một đơn hàng chung theo từng khu vực.

Ngoài ra, nhằm chia sẻ những khó khăn của người dân trong mùa dịch, Saigon Co.op thiết kế sẵn một số combo hàng hóa tiện lợi, có giá chỉ từ 100.000 đồng. Đồng thời, phối hợp với địa phương trong việc giao, nhận hàng hóa, để phân chia lại cho từng hộ dân, theo danh sách đã đăng ký trước đó đến tay người dân nhanh nhất có thể.

Tại các tỉnh, thành phía Nam khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... tình hình thị trường tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.

Theo bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An, chia sẻ do có sự chuẩn bị và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa nên Sở Công Thương đã có phương án cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực phong tỏa, thông qua hình thức phát túi an sinh hoặc các hình thức phù hợp.

Khi thực hiện giãn cách, đặc biệt các hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân được đảm bảo đầy đủ, kịp thời.

Tại tỉnh Bình Dương hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhất là thực hiện khóa chặt 24/24 giờ người dân không ra khỏi nhà, cách ly tuyệt đối nhà cách ly nhà ở 15 phường của thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên và thành phố Dĩ An trong vòng 15 ngày để tập trung dập dịch.

Tỉnh đã điều phối, bổ sung lực lượng cho 3 địa phương trên để đảm bảo an ninh trật tự, tuần tra kiểm tra thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh; bố trí các trạm y tế di động sẵn sàng hỗ trợ kịp thời cho người dân về y tế; cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày và hỗ trợ tiền ăn cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách.

Còn tại Đồng Nai, Sở Công Thương tỉnh cũng đã chủ động các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện giãn cách kéo dài.

Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đã rà soát, kiện toàn kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, rau củ, mì ăn liền, muối, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước mắm, nước tương.

Đồng thời, các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi cần sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, cung cấp thông tin về đầu mối liên hệ (họ và tên, số điện thoại) để các địa phương chủ động liên hệ, phối hợp trong công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Bên cạnh đó, các đơn vị nói trên cần báo cáo khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu gửi về Sở Công Thương, báo cáo hàng ngày để theo dõi, phối hợp khi có biến động về tăng giá, khan hiếm hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu để phối hợp, điều tiết hàng hóa.

Toàn tỉnh hiện có 74 chợ bán lẻ và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (Huyện Thống Nhất) đang hoạt động.

Bên cạnh đó, còn có 9 siêu thị, 227 cửa hàng tiện ích, 215 điểm bán hàng cố định bình ổn giá và nhiều cửa hàng tạp hóa đang hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng phương án cung cấp thực phẩm thiết yếu đến các phường xã./.

Uyên Hương (TTXVN/ Vietnam+)

Nguồn: ttbc-hcm.gov.vn